Kỹ thuật trồng và chăm sóc Su hào
Su hào là loại rau sinh trưởng trong vụ Đông xuân, bộ phận sử dụng chính là củdo thân cây phát triển phình to tạo thành, trong củ chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và được dùng làm thực phẩm.
1. Một số giống Su hào trồng phổ biến
- Su hào dọc tăm (su hào trứng): Củ bé, tròn, cọng lá nhỏ, phiến lá nhỏ và mỏng. Thời gian sinh trưởng từ gieo đến thu hoạch 75 - 80 ngày, do đó có thể trồng xen vào mép luống cải bắp, khoai tây.
- Su hào dọc trung: Củ tròn, to, mỏng vỏ, cọng và phiến lá to hơn, dày hơn loại su hào dọc tăm. Thời gian sinh trưởng 90 - 105 ngày.
- Su hào dọc đại (su hào bánh xe): Củ to hơi dẹt, vỏ rất dày, cọng và phiến lá rất to, dày. Thời gian sinh trưởng 120 - 130 ngày. Đặc trưng là su hào Tiểu Anh Tử (Trung Quốc) hoặc Thiên Anh Tử (Nhật Bản).
2. Thời vụ trồng
- Vụ sớm: Gieo từ tháng 7 đến tháng 8 (chủ yếu dùng loại su hào trứng).
- Vụ chính: Gieo tháng 9 đến hết tháng 10 (dùng các giống su hào nhỡ và su hào dọc đại để thu hoạch được dài ngày).
- Vụ muộn: Gieo tháng 11 (chủ yếu dùng loại su hào dọc tăm và một phần loại dọc nhỡ để có thể kéo dài thu hoạch tới tận cuối tháng 4 năm sau).
3. Gieo ươm cây giống
3.1. Đất gieo ươm
- Chọn đất: Chọn đất pha cát, đất thịt nhẹ, đất giàu dinh dưỡng, tơi xốp, nhiều mùn và chủ động tưới tiêu.
- Làm đất: Đất được làm nhỏ, tơi xốp và lên luống rộng từ 0,8 - 1m, cao từ 20 - 30cm, chiều dài tùy theo lượng giống gieo nhưng không dài quá 20m để tiện bảo vệ và chăm sóc.
3.2. Phân bón
- Lượng bón (tính cho 10m2 vườn ươm): Phân chuồng hoai mục 8 - 10kg, vôi bột 0,5 - 1kg.
- Cách bón: Trộn lẫn toàn bộ phân chuồng với vôi bột và đem bón lót toàn bộ bằng cách rải đều trên mặt luống sau đó dùng cuốc đảo đất lấp kín phân.
3.3. Xử lý đất
Dùng Basuzin để xử lý đất với lượng 0,6 - 0,7kg/sào. Bằng cách trộn đều Basuzin với phân chuồng và rải đều trên mặt ruộng.
3.4. Lượng giống
- Hạt giống: Từ 350 - 450 gram hạt giống để gieo ươm trồng cho 1 ha.
- Cây giống: 55.000 - 150.000 cây/ha (tùy theo giống).
3.5. Gieo hạt
Chia hạt ra thành từng phần nhỏ để gieo cho đều ở các luống, gieo xong dùng thanh gỗ nhỏ vỗ nhẹ lại toàn bộ mặt luống để hạt tiếp xúc với đất, tưới nước ướt đều mặt luống.
3.6. Chăm sóc
- Duy trì tưới nước đủ ẩm để hạt nảy mầm và sinh trưởng thuận lợi.
- Khi cây có từ 2,5 - 3 lá thật, dùng phân đạm urê để tưới với nồng độ pha 10g/10 lít nước.
- Nhổ bỏ những cây xấu, còi cọc, dị dạng, cây bị bệnh.
3.7. Tiêu chuẩn cây đem trồng
Tuổi cây giống từ 25 - 35 ngày (Vụ sớm tuổi cây giống 25 ngày, vụ chính từ 30 - 35 ngày và vụ muộn từ 25 - 30 ngày), cây con có từ 3,5 - 5 lá thật (tùy theo vụ), không dị dạng, cây to, mập không bị bệnh.
Trước khi nhổ cây con 4 - 5 ngày cần ngừng tưới nước, tưới phân để luyện cây giống, kích thích phát triển bộ rễ mới, đến lúc nhổ cây con đi cấy nên tưới nước trước một buổi cho dễ nhổ.
4. Đất trồng
- Chọn đất pha cát, đất thịt nhẹ, chủ động tưới tiêu. Nơi trồng su hào phải là nơi không bị ô nhiễm, không chịu ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, bệnh viện và các nguồn ô nhiễm khác.
- Đất cần cày bừa sớm, làm đất nhỏ và dọn sạch tàn dư cây trồng vụ trước, sau đó, lên luống có chiều rộng khoảng 1m, cao 12 - 15cm, rãnh rộng 25cm.
5. Phân bón
5.1. Lượng phân bón
Loại phân
|
ĐVT
|
Lượng phân bón
| |
Tính cho 1ha
|
Tính cho 1 sào Bắc bộ (360m2)
| ||
Phân chuồng hoai
|
Kg
|
20.000 - 30.000
|
720 - 1.100
|
Phân lân supe
|
Kg
|
450 - 500
|
16 - 18
|
Phân đạm urê
|
Kg
|
150 - 200
|
5,4 - 7,2
|
Phân kali clorua
|
Kg
|
100 - 120
|
3,5 - 4,3
|
5.2. Cách bón
- Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, phân lân supe và 1/4 lượng phân đạm urê, 1/2 lượng phân kali clorua. Cách bón: Trộn đều các loại phân rồi bón vào hố hoặc rạch rau sau đó dùng cuốc đảo đất lấp kín phân mới trồng.
- Bón thúc: Lượng phân đạm urê và phân kali clorua còn lại chia đều cho 4 đợt bón thúc.
+ Bón thúc lần 1: Khi cây bén rễ hồi xanh (sau khi trồng 10 - 15 ngày).
+ Bón thúc lần 2 - 4: Mỗi đợt cách nhau 7 - 10 ngày.
* Chú ý: Khi bón thúc phải bón cách gốc 20cm, lấp đất kín phân, kết hợp làm cỏ, vun nhẹ gốc, sau đó tưới nước đẫm cho tan phân. Kết thúc bón phân trước khi thu hoạch 15 - 20 ngày.
6. Mật độ, khoảng cách và cách trồng
- Mật độ, khoảng cách
TT
|
Loại giống
|
Khoảng cách (cm)
|
Mật độ (Cây)
| |
1 ha
|
1 sào Bắc bộ (360 m2)
| |||
1
|
Giống su hào dọc tăm
|
20 x 25
|
150.000
|
5.400
|
2
|
Giống su hào dọc nhỡ
|
30 x 35
|
74.000 - 78.000
|
2.700 - 2.800
|
3
|
Giống su hào dọc đại
|
35 x 40
|
55.000 - 58.000
|
2.000 - 2.100
|
- Cách trồng: Khi trồng, đặt cây giống theo chiều tự nhiên, lấp đất nhỏ vào gốc ấn nhẹ quanh gốc để cây tiếp xúc tốt với đất, trồng xong tưới nước đủ ẩm, che nắng cho cây từ 2 - 3 ngày.
* Chú ý: Khi trồng tuyệt đối không đặt rễ cây con trực tiếp vào phân bón lót, nên trồng vào buổi chiều khi trời mát.
7. Chăm sóc
- Tưới nước: Trong 5 - 6 ngày sau trồng, mỗi ngày tưới 2 lần vào buổi sớm và chiều mát. Sau trồng 7 ngày thì bón thúc kết hợp tưới giữ ẩm cho đất trong suốt thời gian sinh trưởng. Sử dụng nguồn nước sạch để tưới như: Nước giếng khoan, nước sông, suối, hồ lớn. Tuyệt đối không được sử dụng trực tiếp nước thải từ công nghiệp, bệnh viện, nước ao, mương tù đọng, nước bị ô nhiễm chưa qua xử lý.
- Làm cỏ, vun xới: Chia làm 2 lần.
+ Lần 1: Sau trồng được 15 - 20 ngày.
+ Lần 2: Sau lần đầu khoảng 15 ngày.
8. Sâu, bệnh chính hại su hào và biện pháp phòng trừ
Tất cả các loại sâu bệnh hại su hào giống với sâu bệnh hại cải bắp nên cách phòng trừ tương tự như nhau. Riêng rệp, là đối tượng gây hại nặng nhất, chúng tập trung gây hại ở phần nõn củ và lá non mới nhú để chích hút làm cho các bộ phận này bị teo đi, su hào không lớn được, cần phát hiện kịp thời và dùng Trebon 10EC, Applaud 20WP nồng độ 0,15% để phun trừ.
* Chú ý: Chỉ sử dụng các loại thuốc nằm trong danh mục được Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép sử dụng trên cây rau. Cách sử dụng thuốc theo hướng dẫn trên nhãn mác và đảm bảo thời gian cách ly mới thu hoạch.
9. Thu hoạch
Căn cứ vào thời gian sinh trưởng của từng giống, từng vụ và thấy mặt củ đã bằng, lá non ngừng sinh trưởng thì thu hoạch, kéo dài thêm sẽ già, nhiều xơ, giảm phẩm chất. Năng suất su hào hiện nay từ 16 - 30 tấn/ha (6 - 10 tạ/sào).